Lịch sử Người_Mã_Lai

Người Mã Lai nguyên thủy

Cũng được biết đến với tên gọi Melayu asli (người Mã Lai thổ dân) hay Melayu purba (người Mã Lai cổ), người Mã Lai nguyên thủy có nguồn gốc Nam Đảo và được cho là đã di cư đến quần đảo Mã Lai trong các đợt nhập cư kéo dài từ năm 2500 đến 1500 TCN.[32] The Encyclopedia of Malaysia: Early History, đã chỉ ra tổng cộng ba giả thuyết về nguồn gốc của người Mã Lai:

  • Thuyết Vân Nam, di cư theo sông Mê Kông (công bố năm 1889) - "thuyết người Mã Lai nguyên thủy" có nguồn gốc từ Vân Nam được R.H. Geldern, J.H.C Kern, J.R. Foster, J.R. Logen, Slamet Muljana và Asmah Haji Omar ủng hộ. Các bằng chứng khác hỗ trợ cho thuyết này bao gồm: các công cụ bằng đá ở quần đảo Mã Lai tương tự như các công cụ tại Trung Á, nét tương đồng giữa các phong tục Mã Lai và các phong tục Assam, và thực tế là tiếng Mã Lai & tiếng Khmer là các ngôn ngữ có quan hệ họ hàng do người Khmer có nguồn gốc từ nguồn của sông Mê Kông.
  • Thuyết New Guinea (công bố năm 1965) - những người Mã Lai nguyên thủy được cho là các thủy thủ có kiến thức về hải dương học và sở hữu các kỹ năng nông nghiệp. Họ di chuyển xung quanh, từ đảo này sang đảo khác trong khoảng cách rất xa giữa New ZealandMadagascar ngày nay, và họ phục vụ trong vai trò là hoa tiêu, thủy thủ và lao động chân tay cho các thương nhân Ấn Độ, Ả Rập, Ba Tư và Trung Hoa trong gần 2000 năm. Trong những năm đó, họ đã định cư tại nhiều địa điểm khác nhau và tiếp nhận các văn hóa và tôn giáo khác nhau.
  • Thuyết Đài Loan (công bố năm 1997) - một nhóm người nào đó ở miền Nam Trung Quốc đã di cư vào 6.000 năm trước, một số di chuyển đến Đài Loan (thổ dân Đài Loan hiện nay là hậu duệ của họ), sau đó đến Philippines rồi Borneo (khoảng 4.500 năm trước) (tức người Dayak và các nhóm khác ngày nay). Những người cổ này cũng phân chia với một số tiến về Sulawesi và những người khác tiến đến Java, và Sumatra. Cuộc di cư đến bán đảo Mã Lai là từ khoảng 3.000 năm trước. Một phân nhóm từ Borneo đã di chuyển đến Chăm Pa ở miền trung Việt Nam ngày nay khoảng 4.500 năm trước. Cũng có các vết tích của việc những người thuộc văn hóa Đông Sơnvăn hóa Hòa Bình di cư từ Việt Nam và Campuchia. Cũng có các cuộc di cư của người Thái phương Nam từ Pattani ngày nay. Tất cả các nhóm này đều có chung nguồn gốc ADN và ngôn ngữ từ hòn đảo Đài Loan ngày nay, và các tổ tiên của những người cổ này được truy nguyên tới miền nam Trung Quốc.[33]

Tuy nhiên, trong năm 2009, Tổ chức Bộ gen con người (Human Genome Organisation, HUGO) đã tiến hành một nghiên cứu toàn diện về tính đa dạng và lịch sử di truyền của người dân châu Á, nghiên cứu có 2000 người tham gia trên khắp châu Á, đã chỉ ra một thuyết các về mô hình di dân châu Á. HUGO tìm thấy điểm tương đồng về di truyền giữa dân cư khắp châu Á và sự gia tăng tính di tuyền học từ phía bắc xuống phía nam. Các phát hiện này chỉ ra rằng nguồn gốc của dân cư châu Á và ủng hộ giải thuyết rằng con người đã định cư tại châu lục này thông qua một sự kiện di cư duy nhất từ phương nam, tiến vào Đông Nam Á trước tiên. Các nền văn minh Đông Nam Á, bao gồm cả người Mã Lai, có thể đã xuất hiện sớm hơn nhiều so với các nền văn minh Đông Á.[34]

Người Mã Lai thứ hai

Các nhóm người Mã Lai nguyên thủy ban đầu đã bị những người định cư Mã Lai thứ hai đẩy sâu vào nội địa trong làn sóng nhập cư thứ nhì vào khoảng năm 300 TCN.[35] Người Mã Lai thứ hai là những người thuộc nền văn minh thời đại đồ sắt có nguồn gốc một phần từ những người Chăm, người Môn-Khmer ở Đông Nam Á lục địa và tiếp theo là những người Nam Đảo đến cùng với những kỹ thuật canh tác tiên tiến hơn và có kiến thức về kim loại.[36] Họ có quan hệ họ hàng song mang tính chủng Á cao hơn và có dáng vẻ khác biệt lớn với người Mã Lai nguyên thủy (những người có tầm vóc lùn hơn, da sẫm màu hơn, tỉ lệ tóc xoăn cao hơn, có tỉ lệ phần trăm hiện tượng sọ dài cao hơn nhiều và có xác suất nếp quạt ở mắt thấp hơn đáng kể).[36] Những người định cư Mã Lai thứ hai không sống du cư như những người đến trước họ, thay vào đó họ định cư và thiết lập nên các kampung và chúng đóng vai trò là các đơn vị xã hội chính của họ. Các kampung này thường nằm ở ven bờ sông hoặc các khu vực ven biển và nói chung là có thể tự cung tự cấp được lương thực và các nhu yếu phẩm khác. Vào cuối thế kỷ cuối cùng TCN, các kampung này bắt đầu tham gia vào một số hoạt động thương mại với thế giới bên ngoài.[37]

Người Mã Lai thứ hai được xem là tổ tiên trực tiếp của người Mã Lai ngày nay [38] Các đợt di cư của họ đã gián tiếp buộc một số nhóm người Mã Lai nguyên thủy và thổ dân phải rút lui vào khu vực đồi núi ở sâu trong thượng nguồn các con sông tại nội địa. Các dân tộc là hậu duệ của người Mã Lai nguyên thủy đáng chú ý ngày nay là người Moken, người Jakun, người Orang Kuala, người Temuan và Orang Kanaq.[39].

Ảnh hưởng của Ấn Độ

Xem thêm thông tin: Đại Ấn Độ
Candi Bukit Batu Pahat của Thung lũng Bujang. Một vương quốc Ấn Độ giáo-Phật giáo đã cai trị Kedah cổ đại có thể là từ năm 110 CN, các bằng chứng sớm nhất về tầm ảnh hưởng rộng rãi của Ấn Độ với những người Mã Lai Kedah thời kỳ tiền Hồi giáo.

Không có bằng chứng rõ ràng về thời điểm đầu tiên diễn ra các cuộc du hành của người Ấn Độ qua vịnh Bengal song các ước tính bảo thủ cho rằng họ đã đặt chân sớm nhất lên vùng bờ biển Mã Lai từ ít nhất 2.000 năm trước. Việc phát hiện ra các tàn tích cầu tàu, các địa điểm luyện sắt, và một công trình kỉ niệm bằng gạch đất sét có niên đại từ năm 110 CN tại Thung lũng Bujang đã cho thấy rằng một tuyến thương mại hàng hải với các vương quốc Tamil ở miền Nam Ấn Độ đã sẵn được thành lập từ thế kỷ thứ II SCN.[40] Sự phát triển thương mại với Ấn Độ đã khiến những người dân ven biển ở phần lớn Đông Nam Á hàng hải có sự tiếp xúc với Ấn Độ giáoPhật giáo. Do đó, các tôn giáo, truyền thống văn hóa và tiếng Phạn từ Ấn Độ đã bắt đầu lan rộng ra khắp các vùng đất. Các đền thờ được xây dựng theo phong cách Ấn Độ, các vị vua địa phương bắt đầu tự gọi mình là Raja.[41] Thời kỳ đầu Công Nguyên đã chứng kiến sự nổi lên của các nhà nước Mã Lai cổ ở các khu vực ven biển trên bán đảo Mã Lai và đảo Sumatra như Xích Thổ, Negara Sri Dharmaraja, Gangga Negara, Langkasuka, Kedah, MalayuSrivijaya. Trong khoảng từ thế kỷ VII đến XIII, nhiều nước trong số các tiểu quốc bán đảo thịnh vượng và thương mại hàng hải này đã trở thành một bộ phận của Mạn-đà-la Srivijaya,[42] một liên bang rộng lớn của các thành bang tập trung tại Palembang,[43] Kadaram,[44] ChaiyaLigor.

Ảnh hưởng của Srivijaya trải rộng ra toàn bộ các khu vực ven biển trên đảo Sumatra và bán đảo Mã Lai, phía tây đảo Java và phía tây đảo Borneo, cũng như phần còn lại của quần đảo Mã Lai. Có được cả sự bảo trợ từ Ấn Độ và Trung Quốc, sự giàu có của vương quốc này chủ yếu đến từ thương mại. Vào lúc đỉnh cao, tiếng Mã Lai cổ đã được sử dụng làm ngôn ngữ chính thức của Srivijaya và trở thành ngôn ngữ chung của khu vực, thay thế tiếng Phạn, ngôn ngữ của Ấn Độ giáo và Phật giáo.[41] Thời kỳ Srivijaya được xem là thời hoàng kim của văn hóa Mã Lai.

Tuy nhiên, sự huy hoàng của Srivijaya đã bắt đầu suy yếu sau một loạt các cuộc tấn công từ Đế quốc Chola ở Ấn Độ trong thế kỷ XI. Đến cuối thế kỷ XIII, những tàn dư cuối cùng của đế quốc Mã Lai trên đảo Sumatra này đã bị những kẻ xâm lược người Java phá hủy trong cuộc viễn chinh Pamalayu (Pamalayu nghĩa là chiến tranh chống lại Malayu).

Đế quốc hàng hải Phật giáo Srivijaya, chính thể Mã Lai rộng lớn đầu tiên trong khu vực

Việc Srivijaya bị tiêu diệt đã khiến các quần thần của đế quốc phải lưu vong và đã có một vài nỗ lực của các hoàng tử Mã Lai đang chạy trốn nhằm phục quốc. Năm 1324, với sự hỗ trợ từ các bầy tôi trung thành với đế quốc là người Orang laut, một hoàng tử Mã Lai có nguồn gốc Srivijaya là Sang Nila Utama đã thiết lập nên vương quốc Singapura tại Temasek.[45] Triều đại của ông đã cai trị hòn đảo cho đến cuối thế kỷ XIV, khi chính thể Mã Lai này phải đối mặt với sự tức giận của những kẻ xâm lược người Java. Năm 1401, người chắt nội của ông là Paduka Sri Maharaja Parameswara đã tiến về phía bắc và lập nên Vương quốc Malacca.[46] Vương quốc Malacca đã kế thừa Srivijaya và thừa hưởng nhiều truyền thống vương giả và văn hóa, bao gồm hầu hết lãnh thổ của các tiền quốc của nó.[47][48][49]

Thêm một vương quốc Mã Lai hùng mạnh trong giai đoạn này là Tambralinga, từng là một nước phụ thuộc của Srivijaya, vương quốc này bắt đầu phát triển sau sự thoái trào của đế quốc Srivijaya vào thế kỷ XII. Từ thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XIV, vương quốc đã chinh phục được hầu hết bán đảo Mã Lai. Sự phát triển của vương quốc được tăng cường thêm trong thời gian trị vì của Chandrabhanu Sridhamaraja (1230–1263), ông đã thành công trong việc chiếm được vương quốc Jaffna trên đảo Sri Lanka từ năm 1247 đến năm 1258. Cuộc xâm lược đã đánh dấu một điều hiếm thấy trong lịch sử Đông Nam Á, khi một thế lực trong khu vực tiến hành các cuộc viễn chinh bằng đường biển vượt ra khỏi ranh giới khu vực.

Công việc trồng trọt của hệ thống chính thể Mã Lai cũng lan rộng ra ngoài ranh giới Sumatra-Bán đảo Mã Lai trong thời kỳ này. Các cuộc viễn chinh và di cư của người Mã Lai đã giúp thiết lập nên các vương quốc nằm ngoài địa hạt của Srivijaya. Một vài minh họa là việc một hoàng tử của Tambralinga đã đăng cơ làm vua của vương quốc Lavo tại khu vực nay là Bangkok, việc thành lập vương quốc Cebu tại Visayas và việc thành lập vương quốc Tanjungpura trên đảo Borneo. Sự bành trướng này cũng được quan tâm nhiều vì nó đã định hình cho sự phát triển dân tộc-văn hóa của những người Acehngười Banjar có liên hệ và tiếp tục truyền bá sâu hơn đặc tính Mã Lai chịu ảnh hưởng của Ấn Độ trong phạm vi khu vực.

Hồi giáo hóa

Lãnh thổ của vương quốc Melaka vào thế kỷ XV. Vương quốc này trên thực tế đã thúc đẩy bản sắc xã hội-văn hóa Mã Lai-Hồi giáo cho đến ngày nay.

Hồi giáo đã được đưa đến khu vực trong thời kỳ từ thế kỷ XII đến XV, ngoài ra trong thời gian này cũng chứng kiến thành phố cảng Malacca nổi lên ở bờ biển tây nam của bán đảo Mã Lai[50] hai tiến trình phát triển này đã làm thay đổi lịch sử của người Mã Lai.

Từ thế kỷ XII, đức tin Hồi giáo đã tiến đến những khu vực gần bờ biển của khu vực mà nay là các bang Kedah, Perak, KelantanTerengganu.[51] Bằng chứng khảo cổ sớm nhất về Hồi giáo tại bán đảo Mã Lai là Đá khắc Terengganu có niên đại từ thế kỷ thứ XII, được tìm thấy tại bang TerengganuMalaysia.[50]

Đến thế kỷ XV, thế lực có quyền bá chủ trên nhiều phần ở phía tây quần đảo Mã Lai là vương quốc Malacca đã trở thành trung tâm của tiến trình Hồi giáo hóa ở phương Đông. Với vị thế là quốc giáo của Malacca, Hồi giáo đã mang lại nhiều biến đổi lớn lao trong xã hội và văn hóa Melaka, và nó trở thành công cụ chính cho việc phát triển một bản sắc chung Mã Lai.[11][52][53][54] Theo thời gian, bản sắc chung Mã Lai này trở thành đặc điểm của nhiều phần trên quần đảo Mã Lai thông qua quá trình Mã Lai hóa. Việc Malacca mở rộng phạm vi ảnh hưởng thông qua thương mại và truyền đạo đã dẫn đến kết quả là phổ biến được tiếng Mã Lai cổ,[55] đức tin Hồi giáo,[56] và văn hóa Hồi giáo Mã Lai;[57] ba giá trị cốt lõi của Kemelayuan ("người Mã Lai").[58]

Năm 1511, kinh đô của Malacca rơi vào tay những kẻ thực dân Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, Melaka vẫn duy trì thể chế nguyên bản: một kiểu nghệ thuật lãnh đạo và một nét văn hóa để cho các nhà nước kế thừa tham khảo, như Vương quốc Johor (1528–nay), Vương quốc Perak (1528–nay) và Vương quốc Pahang (1470–nay).[59]

Trên khắp Biển Đông trong thế kỷ XIV, một vương quốc Mã Lai khác là Brunei đã nổi lên để trở thành một chính thể hùng mạnh nhất trên đảo Borneo. Đến giữa thế kỷ XV, Brunei đã thiết lập một mối quan hệ chặt chẽ với vương quốc Melaka. Quốc vương của Brunei đã kết hôn với một công chúa của Malacca, tiếp nhận Hồi giáo làm tôn giáo của triều đình, và phỏng theo mô hình chính quyền hiệu quả của Malacca.[60] Brunei được hưởng lợi từ thương mại với Malacca song đã có được sự thịnh vượng thậm chí còn lớn hơn sau khi kinh đô Malacca -một thương cảng Mã Lai to lớn- bị người Bồ Đào Nha chinh phục. Brunei đạt đến thời kỳ hoàng kim vào giữa thế kỷ XVI, khi đó vương quốc này kiểm soát một lãnh thổ xa về phía nam đến Kuching tại Sarawak ngày nay, phía bắc mở rộng ra quần đảo Philippines.[61] Vương quốc Brunei đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến tận đảo Luzon bằng cách lập liên minh với vương quốc Tondo và thành lập một quốc gia vệ tinhSeludong ở khu vực Manila ngày nay. Triều đình Brunei cũng tiến hành quá trình Mã Lai hóa trên hòn đảo Borneo. Các yếu tố văn hóa Hồi giáo Mã Lai, bao gồm ngôn ngữ, trang phục và nhà ở của các hộ gia đình được các thổ dân tiếp nhận, đặc biệt là người Dayak, dân tộc này cũng được dung hợp vào vương quốc. Các tù trưởng Dayak được hợp nhất vào hệ thống thứ bậc Mã Lai, được mang các tước hiệu chính thức như Datuk, Temenggong và Orang Kaya. Tại Tây Kalimantan, sự phát triển của các vương quốc như Sambas, SukadanaLandak cũng diễn ra tương tự khi họ tuyển mộ người Dayak.[62]

Các vương quốc Mã Lai quan trọng khác là vương quốc Kedah (1136–nay) và vương quốc Pattani (1516–1771), hai nước này đã thống trị phần phía bắc của bán đảo Mã Lai. Trong khi vương quốc Jambi (1460–1907), vương quốc Palembang (1550–1823) và vương quốc Siak Sri Indrapura (1725–1946) kiểm soát phần lớn vùng bờ biển đông nam của đảo Sumatra.

Bị thực dân hóa

Những người thống trị và giới quý tộc Mã Lai cùng các quan chức thực dân Anh trong Durbar lần thứ nhất.

Từ năm 1511 đến 1984, nhiều vương quốc Mã Lai đã bị thực dân hóa hoặc nằm dưới quyền bảo hộ của các thế lực ngoại quốc khác nhau, từ các thế lực thực dân châu Âu như Bồ Đào Nha, Hà LanAnh Quốc, cho đến các thế lực trong khu vực như Aceh, XiêmNhật Bản.

Năm 1511, đế quốc Bồ Đào Nha đã chiếm được kinh thành của vương quốc Malacca. Mặc dù chiến thắng, song người Bồ Đào Nha đã không thể mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị của họ ra ngoài pháo đài pháo đài Malacca. Quốc vương Malacca duy trì quyền bá chủ đối với các vùng đất bên ngoài kinh thành cũ và thành lập nên vương quốc Johor vào năm 1528 để kế tục Malacca. Malacca thuộc Bồ Đào Nha đã phải đối mặt với một số cuộc tấn công trả thù song không thành công từ Johor cho đến năm 1614, khi liên quân Johor và đế quốc Hà Lan đã trục xuất người Bồ Đào Nha ra khỏi bán đảo. Theo thỏa thuận với Johor vào năm 1606, người Hà Lan sau đó được nắm quyền kiểm soát Malacca.[63]

Trong lịch sử, các quốc gia Mã Lai trên bán đảo có một mối quan hệ thù địch với người Xiêm. Vương quốc Malacca đã có hai cuộc chiến tranh với người Xiêm trong khi các quốc gia Mã Lai ở phía bắc đã nằm dưới quyền thống trị không liên tục của các triều đại Xiêm trong nhiều thế kỷ. Năm 1771, Xiêm đã thủ tiêu vương quốc Pattani và sau đó thôn tính một phần lãnh thổ lớn của vương quốc Kedah. Trước đó, vương triều Ayutthaya của Xiêm đã sáp nhập Tambralinga và cho quân tràn ngập vương quốc Singgora vào đầu thế kỷ XVII. Đến đầu thế kỷ XIX, Xiêm đã áp đặt một cấu trúc hành chính mới và lập ra các vương quốc Mã Lai bán độc lập như Patani, Saiburi, Nongchik, Yaring, Yala, RemanRangae từ Đại Pattani[64][65] và lập ra Satun, Perlis, Kubang Pasu từ vương quốc Kedah.[66][67]

Năm 1786, vương quốc Kedah đã cho Công ty Đông Ấn của Anh thuê hòn đảo Penang để đổi lấy viện trợ quân sự nhằm chống lại Xiêm. Năm 1819, công ty này cũng thu được Singapore từ vương quốc Johor, lấy được Malacca vào năm 1824 từ tay người Hà Lan, và sau đó là Dindings từ Perak vào năm 1874. Tất cả các trạm giao thương này được gọi chính thức là Các thuộc địa Eo biển vào năm 1826 và trở thành thuộc địa hoàng gia của đế quốc Anh vào năm 1867. Sự can thiệp của người Anh vào công việc của các quốc gia Mã Lai được chính thức hóa và năm 1895, khi những người thống trị Mã Lai chấp thuận sự quản lý của các Thống sứ Anh, và Liên bang các quốc gia Mã Lai được thành lập. Năm 1909, Kedah, Kelantan, TerengganuPerlis được người Anh lấy lại từ tay người Xiêm. Các nhà nước này cùng với Johor sau đó trở thành Các nhà nước Mã Lai phi liên hiệp. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, tất cả các thuộc địa và vùng bảo hộ này của Anh, được gọi là Mã Lai thuộc Anh, đã bị đế quốc Nhật Bản chiếm đóng.

Thời kỳ thoái trào của đế quốc Brunei rộng lớn bắt đầu sau Chiến tranh Castille chống lại những kẻ xâm lược Tây Ban Nha, kết quả là vương quốc này phải chấm dứt quyền thống trị đối với quần đảo Philippines ngày nay. Sự suy sụp này lên đến đỉnh điểm trong thế kỷ XIX, khi vương quốc mất hầu hết các lãnh thổ tại Borneo cho các Rajah Trắng của vương quốc SarawakCông ty Đặc hứa Bắc Borneo (North Borneo Chartered Company). Brunei trở thành một nước nằm dưới quyền bảo hộ của Anh từ năm 1888 cho đến năm 1984.[2]

Sau Hiệp ước Anh-Hà Lan năm 1824, theo đó phân chia quần đảo Mã Lai thành vùng thuộc Anh ở phía bắc và một vùng thuộc Hà Lan ở phía nam, tất cả các vương quốc Mã Lai trên đảo SumatraNam Borneo trở thành một phần của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Mặc dù một số quốc vương Mã Lai vẫn được duy trì quyền lực của họ dưới sự kiểm soát của Hà Lan,[68] song một số vương quốc đã bị chính quyền Hà Lan bãi bỏ, như trường hợp của vương quốc Riau vào năm 1911.

Chủ nghĩa dân tộc Mã Lai

Bức tranh tường bằng đồng của chiến binh truyền thuyết Mã Lai, Hang Tuah với lời trích dẫn nổi tiếng Ta' Melayu Hilang Di-Dunia (tiếng Mã Lai nghĩa là "Người Mã Lai sẽ không bao giờ biến mất khỏi mặt đất") viết ở trên đỉnh. Trích dẫn này là một lời kêu gọi tập hợp nổi tiếng của chủ nghĩa dân tộc Mã Lai.[69][70]

Mặc dù người Mã Lai phân bổ rộng khắp trên quần đảo Mã Lai, song cuộc vận động cho chủ nghĩa dân tộc Mã Lai hiện đại mới chỉ có quy mô đáng kể từ đầu thế kỷ XX trên bán đảo Mã Lai. Tại quần đảo Indonesia, cuộc đấu tranh chống thực dân mang nét đặc trưng là chủ nghĩa quốc gia xuyên dân tộc, trong khi tại Brunei, mặc dù đã có một số nỗ lực được tiến hành để khơi dậy ý thức chính trị Mã Lai từ năm 1942 đến 1945, song đã không có sự kiện lịch sử đáng kể nào dựa trên tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, tại Thái Lan, phong trào ly khai Pattani chống lại sự cai quản của người Thái đã được một số sử gia xem là một phần của phong trào dân tộc Mã Lai bán đảo có tầm ảnh hưởng lớn hơn. Tuy thế, chủ nghĩa dân tộc Mã Lai bán đảo đã dẫn đến sự hình thành của Malaysia.

Các công cụ sớm nhất và có ảnh hưởng nhất trong cuộc vận động nhằm thức tỉnh ý thức dân tộc Mã Lai là các ấn phẩm xuất bản định kỳ, chúng đã chính trị hóa vị thế của người Mã Lai trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân và những người nhập cư phi Mã Lai. Bất chấp việc bị chính quyền thực dân Anh đàn áp, đã có không dưới 147 tạp chí và báo xuất bản tại Mã Lai thuộc Anh từ năm 1876 đến năm 1941. Trong số này, nổi bật nhất là Al-Imam (1906), Pengasuh (1920), Majlis (1935) và Utusan Melayu (1939). Sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc Mã Lai phần lớn là nhờ vận động của ba thế lực dân tộc chủ nghĩa: những người cấp tiến cánh tả Mã Lai, nhóm Hồi giáo, và cả hai đều phản đối tầng lớp trên bảo thủ.[71]

Đại diện cho những người cánh tả Mã Lai là Kesatuan Melayu Muda, tổ chức này được thành lập vào năm 1938 bởi một nhóm trí thức Mã Lai chủ yếu được đào tạo tại Cao đẳng Đào tạo Sultan Idris (Sultan Idris Training College), với một ý tưởng về Đại Indonesia. Năm 1945, họ tái tổ chức thành một chính đảng được gọi là Partai Kebangsaan Melayu Malaya (PKMM). Đại diện ban đầu cho những người theo đường lối Hồi giáo là Kaum Muda', tổ chức này bao gồm các học giả được đào tạo tại Trung Đông và có quan điểm liên Hồi giáo. Chính đảng Hồi giáo đầu tiên là Partai Orang Muslimin Malaya (Hizbul Muslimin) đã được thành lập vào tháng 3 năm 1948, đảng Hồi giáo liên Mã Lai đã kế thừa nó vào năm 1951. Nhóm thứ ba là phe bảo thủ bao gồm giới tinh hoa Âu hóa, họ là các quan chức và thành viên của các gia đình vương giả và cùng thừa hưởng một nền giáo dục Anh Quốc, hầu hết là tại Cao đẳng Mã Lai Kuala Kangsar (Malay College Kuala Kangsar) giành riêng cho họ. Họ đã thành lập các tổ chức tự nguyện được gọi là các Hiệp hội Mã Lai ở những nơi khác nhau trong nước và mục tiêu chính của họ là thúc đẩy quyền lợi của người Mã Lai và yêu cầu sự bảo hộ của người Anh đối với vị thế của người Mã Lai. Tháng 3 năm 1946, 41 trong số các hiệp hội Mã Lai này đã thành lập Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO), để khẳng định sự địa vị của người Mã Lai đối với Mã Lai thuộc Anh.[71]

Người Mã Lai đã đặt một nền tảng cơ bản cho ý thức hệ Mã Lai và chủ nghĩa dân tộc Mã Lai tại Malaysia. Tất cả ba phe phái dân tộc Mã Lai đều tin vào ý tưởng về một "Quốc gia Mã Lai" (Bangsa Melayu) và vị thế của tiếng Mã Lai, song không đồng thuận về vai trị của Hồi giáo và những người trị vì Mã Lai. Những người bảo thủ ủng hộ tiếng Mã Lai, Hồi giáo và nền quân chủ Mã Lai và xem chúng cấu tạo nên các trụ cột chính của người Mã Lai, song là trong một nhà nước thế tục và Hồi giáo chỉ có vai trò chính trị hạn chế. Những người cánh tả đồng tình với nhà nước thế tục song muốn chấm dứt chế độ phong kiến, trong khi phe Hồi giáo thì ủng hộ chấm dứt các vương triều song lại tìm cách để Hồi giáo có một vai trò lớn hơn.[72]

Sau khi Cộng hòa Indonesia được thành lập với mô hình nhà nước đơn nhất, tất cả các chế độ quân chủ Mã Lai tại Indonesia đều bị bãi bỏ,[73] và vị thế các quốc vương tại Indonesia nay chỉ còn là người lãnh đạo trên danh nghĩa hoặc người thỉnh cầu vương vị. Sự sụp đổ của các vương quốc Mã Lai gồm Deli, Langkat, SerdangAsahan tại Đông Sumatra trong "cách mạng Xã hội" vào năm 1946 đã có tác động mạnh mẽ đến những người cùng chí hướng Mã Lai của họ và đẩy các chiến hữu Mã Lai quay sang chống lại ý tưởng về Đại Indonesia và ảo tưởng về Cộng hòa Hồi giáo.

Liên bang Mã Lai năm 1948. Nó được hình thành từ chín quốc gia Mã Lai truyền thống và hai thuộc địa Eo biển của Anh.

Tháng 3 năm 1946, Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất đã nổi lên với sự ủng hộ hoàn toàn của các quốc vương Mã Lai từ Hội nghị những người thống trị. Phong trào mới đã tiến đến một liên kết chính trị chặt chẽ giữa người người thống trị và thần dân, một điều chưa từng có trước đây. Phong trào này nói chung đã thúc đẩy quan điểm của công chúng người Mã Lai, cùng với đó là sợ thờ ơ chính trị đáng ngạc nhiên của những người phi Mã Lai (như người gốc Hoa và gốc Ấn), đã dẫn đến việc người Anh từ bỏ kế hoạch Liên bang Mã Lai (1946–1948) cấp tiến. Đến tháng 7, Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất đã thành công trong việc đạt được một thỏa thuận với người Anh để bắt đầu các cuộc đàm phán cho một hiến pháp mới. Các cuộc đàm phán tiếp tục từ tháng 8 đến tháng 11, giữa một bên là các quan chức người Anh và một bên là những đại diện của các quốc vương cùng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất và các lực lượng khác.[74]

Hai năm sau, Liên bang Mã Lai bán độc lập được thành lập, điều này đã phản ánh một chiến thắng rõ ràng của các lợi ích Mã Lai. Hiến pháp mới phần lớn đã đưa các nhà nước quay trở lại mô hình cơ bản thời tiền thuộc địa và thiết lập uy quyền của các nhà nước Mã Lai riêng lẻ. Quyền lợi và đặc quyền của người Mã Lai đã được bảo đảm. Những người thống trị Mã Lai do đó vẫn giữ lại đặc quyền của họ, trong khi những hậu duệ được tiếp nhận môi trường giáo dục Anh của họ nắm giữa các vị trí trong chính quyền trung ương, dần dần phi thực dân hóa. Tháng 8 năm 1957, Liên bang Mã Lai, lãnh thổ phụ thuộc lớn cuối cùng của phương Tây trong khu vực Đông Nam Á, đã giành được độc lập thông qua một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình.[74] Liên bang được cải tổ thành Malaysia với việc hợp nhất Singapore vào năm 1963 (tách ra năm 1965), SabahSarawak.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người_Mã_Lai http://www.kkbs.gov.bn/html/pakaian_tradisi.htm http://www.pelitabrunei.gov.bn/news/pelita/01julai... http://us.detikfood.com/read/2010/06/21/160229/138... http://www.guoxue.com/shibu/24shi/yuanshi/yuas_210... http://kebunketereh.com/?p=387 http://www.malaysia.com/nasi-lemak-food.html http://melayuonline.com/eng/about/dig/2 http://www.omniglot.com/writing/malay.htm http://www.scribd.com/doc/82001895 http://asalehudin.wordpress.com/2009/04/25/serampa...